Trang Chủ > Tin Tức > Tin Tức > An ninh mạng và kẻ gian giấu mặt (bài 1)

An ninh mạng và kẻ gian giấu mặt (bài 1)

Thực trạng đó để lại nhiều hậu quả nhưng bài toán ngăn chặn không hề đơn giản, dường như đang có cuộc chạy đua giữa “vỏ quýt dày” và “móng tay nhọn”, giữa bên phòng chống và bên xâm nhập, đánh cắp. Loạt bài viết này chuyển tới bạn đọc một góc nhìn về bảo mật thông tin mà chúng tôi gọi phía đánh cắp là “kẻ tàng hình” trong thế giới số. 

Thế giới mạng và kỹ thuật số: Cuộc đấu giữa “vỏ quýt” và “móng tay”

Nhiều người cho rằng, hành vi đánh cắp thông tin, tài liệu trên internet và phương tiện kỹ thuật số chỉ phổ biến ở những nước có công nghệ thông tin chậm phát triển, nói cách khác là “vùng trũng”. Kỳ thực, ngay cả những quốc gia phát triển, có công nghệ mạng, kỹ thuật số hàng đầu như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp…, thực trạng “kẻ cắp mạng” cũng đến mức báo động. 

Những “kẻ tàng hình” không phân biệt biên giới, lãnh thổ, có thể xâm nhập bất cứ hệ thống mạng, kỹ thuật số nào ở mọi nơi trên thế giới, thậm chí lấy cắp mà chủ nhân không biết mình bị mất cắp. Đó là nguy hại của kiểu ăn cắp thời công nghệ thông tin. 

Ăn cắp tiền, tài sản thì chủ nhân dễ dàng phát hiện ra khi số tiền, tài sản đó bỗng dưng bị hao hụt. Nhưng ăn cắp tài liệu, nhất là tài liệu thuộc hệ thống bảo mật thì kẻ cắp xâm nhập vào lấy nhưng “khối tài sản” vẫn vẹn nguyên, không hao hụt, không để lại dấu vết kiểu “cạy xóa”. 

Việc mất mà không biết bị mất, vẫn tưởng vẹn nguyên là kiểu đánh cắp gây tác hại vô cùng lớn bởi như thế, chủ nhân (cơ quan, tổ chức, kể cả tài liệu quốc gia) không biết để đối phó, phòng ngừa, truy tìm nguyên do bị đánh cắp. 

Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực châu Á về số lượng người dùng internet và thứ 11 trên thế giới về nguy cơ tấn công mạng.

Ngay tại nước phát triển đã xảy ra việc “kho” tài liệu mật về an ninh, quốc phòng bị kẻ gian thường xuyên đột nhập lấy cắp dữ liệu, thông tin, kéo dài cả năm trời nhưng “chủ nhà” không phát hiện ra vì tin tưởng “chìa khóa” trong tay mình. 

Theo kết quả cuộc thăm dò do hãng Gallup của Mỹ thực hiện và công bố mới đây, ngày càng có nhiều nhà bán lẻ ở Mỹ thông báo về các vụ khách hàng bị mất cắp thông tin thẻ tín dụng với con số hiện đã lên tới hàng chục triệu người. Chính quyền Mỹ cho rằng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của nước Mỹ sẽ được coi là tài sản chiến lược quốc gia. 

Tổng thống Obama nói: “Ngày nay, ai cũng rõ rằng đe dọa về an ninh mạng trở thành một trong các thách thức về kinh tế và an ninh quốc gia nguy hiểm nhất đối với nước Mỹ”. 

Theo đó, Văn phòng An ninh mạng với ngân sách nhiều tỷ đô la mỗi năm sẽ được trao nhiệm vụ tìm cách hạn chế kẻ bên ngoài xâm nhập vào hệ thống máy tính của chính phủ, bảo vệ hệ thống mạng trong hoạt động kinh tế thường ngày của quốc gia. 

Chính quyền Obama tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh về mạng đặt tại Lầu Năm Góc. Cơ quan này có nhiệm vụ loại trừ các sơ hở về hệ thống mạng nhạy cảm ở nước Mỹ và tìm cách xâm nhập các điểm sơ hở trong mạng truyền tin của các “kẻ thù” tương lai nước Mỹ. 

Trong những năm gần đây, cả giới quân sự và chính phủ Mỹ đã chứng kiến các vụ tấn công mạng từ các kẻ tin tặc, kể cả khủng bố (Al-Qaeda và một số nhóm khác đã đe dọa tiến hành cuộc chiến tranh điện toán nhắm vào nước Mỹ).

 Nhận thức được nguy cơ này, các quốc gia đều đã thành lập các tổ chức về an ninh mạng. Mỹ đã thành lập “Bộ chỉ huy không gian mạng”, Trung Quốc thành lập “Trung tâm chiến tranh mạng”, Israel thành lập “Lực lượng Chuyên trách không gian mạng” và đơn vị “Chiến binh mạng Israel”... Người đứng đầu “Bộ chỉ huy không gian mạng” Hoa Kỳ đã dự đoán rằng “cuộc chiến tranh sắp tới sẽ bắt đầu từ không gian ảo”.

Hơn 200.000 thiết bị mạng tại các hộ gia đình, cơ quan, văn phòng ở Việt Nam dính lỗ hổng “Misfortune Cookie”.

Việt Nam đứng thứ 11 về các hoạt động đe dọa tấn công mạng

Theo số liệu mới được công bố bởi Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế công bố, tính đến nay, Việt Nam đã có 45,5 triệu người dùng internet, đạt mức thâm nhập/dân số là 48%. Số lượng người dùng nói trên bao gồm người truy cập internet ở tất cả các phương tiện hỗ trợ (PC, laptop, điện thoại…). 

Việt Nam đang xếp thứ 6 trong khu vực châu Á về số lượng người dùng, sau Trung Quốc (674 triệu), Ấn Độ (354 triệu), Nhật Bản (114,9 triệu), Indonesia (73 triệu), Philippines (47,1 triệu) và đứng thứ 17/20 quốc gia có lượng người dùng internet nhiều nhất thế giới. 

Internet được mở rộng tới mọi đối tượng người dân. Trong bối cảnh đó, số những vụ hacker tấn công vào các website đang gia tăng. Thời gian qua, xảy ra các cuộc tấn công thâm nhập của tội phạm mạng vào hệ thống thông tin của các cơ quan, nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp để phá hoại, thu thập đánh cắp thông tin được ghi nhận ngày càng tăng lên. Các nguy cơ đối với bảo mật và những thách thức mới đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả cộng đồng.

Theo số liệu thống kê về hiện trạng bảo mật của Symantec, Việt Nam đứng thứ 11 trên toàn cầu về các hoạt động đe dọa tấn công mạng. Những xu hướng đe dọa bảo mật ngày càng gia tăng nổi bật hiện nay mà các tổ chức tại Việt Nam quan tâm là: tấn công có chủ đích cao cấp, các mối đe dọa trên thiết bị di động, những vụ tấn công độc hại và mất cắp dữ liệu. 

Thực tế, nguy cơ mất an ninh an toàn mạng máy tính còn có thể phát sinh ngay từ bên trong, nguyên nhân chính là do người sử dụng có quyền truy nhập hệ thống nắm được điểm yếu của hệ thống hay vô tình tạo cơ hội cho những đối tượng khác xâm nhập hệ thống. 

Đang có nhiều “khoảng đen” về an ninh mạng ở Việt Nam.

Thống kê của Bkav cho biết hiện có hơn 200.000 thiết bị mạng tại các hộ gia đình, cơ quan, văn phòng ở Việt Nam dính lỗ hổng “Misfortune Cookie”, tin tặc theo dõi dữ liệu của người dùng và chiếm quyền kiểm soát thiết bị từ xa. Đây chỉ là một phần trong hơn 12 triệu thiết bị dính lỗ hổng theo báo cáo của hãng an ninh mạng Checkpoint.  

Đặc biệt, lỗ hổng “Misfortune Cookie” có thể bị khai thác bằng cách gửi đi một yêu cầu truy cập (request) đặc biệt đến server RomPager, gây lỗi bộ nhớ của thiết bị gateway, thay đổi trạng thái của ứng dụng và hệ thống để lừa thiết bị cấp quyền quản trị cho phiên truy cập của tin tặc. Từ đó, tin tặc chiếm quyền quản trị thiết bị và mở rộng tấn công sang bất cứ thiết bị nào khác trên cùng mạng.

Năm 2015, với 4 đặc trưng mới của công nghệ thông tin mà các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm tới, đó là điện toán đám mây, sử dụng thiết bị di động, mạng xã hội và dữ liệu lớn. Dự báo, những năm tới, việc sử dụng thiết bị di động trong mạng của tổ chức sẽ bùng nổ về số lượng và khó quản lý; tấn công có chủ đích nhằm vào dữ liệu sẽ tăng lên và các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia sẽ là đích ngắm khi có xung đột. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, đầu tư cho an toàn thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp trong năm 2015 tuy đã có cải thiện song vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ nét. Hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin của nhiều cơ quan, đơn vị còn yếu về an toàn thông tin, chưa áp dụng được các giải pháp kỹ thuật về bảo mật bảo đảm an toàn thông tin phù hợp, các giải pháp tổ bảo mật thông tin trên không gian mạng máy tính chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của đội ngũ cán bộ về nguy cơ tiềm ẩn thất thoát thông tin ra ngoài còn hạn chế, chưa kiểm soát khả năng mất an toàn thông tin số do các phần mềm, thiết bị phần cứng ngoại nhập…

Rõ ràng, sự bùng nổ của công nghệ thông tin thực sự là cuộc cách mạng thời đại mới với vô vàn cơ hội mà trước đây không thể lường tới. Song, cũng chính cuộc cách mạng đó tạo ra những “khoảng đen” về an ninh mạng, trong đó việc các quốc gia, cơ quan và cá nhân phải đối mặt với hiểm họa đánh cắp thông tin, tài liệu mạng, thiết bị số ngày càng nghiêm trọng.

(còn tiếp)

Minh Đăng – Huyền Thanh

Tin Khác

Trang 1 / 23
Đối Tác
Camera IMOU của nước nào? có nên mua camera IMOU hay không?
Tập tin:KBVISION 07 2020.png – Wikipedia tiếng Việt
tp-link-logo-1 – stek.al
More on Kaspersky rebranding | Kaspersky official blog
Hỗ Trợ Online
Sự Kiện Nổi Bật
Thống Kê Truy Cập
Quảng Cáo
vỏ case led giá tốt Tháng 8, 2022 | Mua ngay | Shopee Việt Nam
Thùng case coolman M-atx led vỏ case màu trắng vỏ case K God case ES1 white  - Vỏ Case - Thùng Máy | FptShop.store
Go Top